Khi mua chung cư trả góp bạn cần lưu ý những điều gì?

Đánh giá khả năng tài chính

Tự đánh giá năng lực tài chính là một yếu tố quan trọng khi mua căn hộ trả góp. Điều này giúp tránh việc mất khả năng trả nợ hoặc phát sinh thêm những khoản vay không đáng có, khiến giá trị căn hộ có thể bị đẩy lên quá cao so với thực tế.

Để đánh giá khả năng thanh toán của bản thân, người mua nhà có thể xác định thông qua các chỉ số như sau:

Khả năng tài chính cá nhân gồm số tiền tiết kiệm hiện có, thu nhập hàng tháng của bản thân hoặc gia đình sau khi trừ đi các khoản chi phí sinh hoạt hàng tháng. Thông thường, chi phí sinh hoạt hàng tháng sẽ chiếm từ 15 – 30% trên tổng thu nhập có được (tùy vào nhu cầu chi tiêu của từng người).

Khả năng tài chính hỗ trợ là khoản tiền được người thân hỗ trợ khi mua nhà. Với khoản tiền hỗ trợ này, người cho vay không lấy lãi hoặc chỉ áp dụng mức lãi suất bằng hoặc thấp hơn lãi suất ngân hàng và lãi suất cố định trong suốt thời gian vay.

Khả năng trả nợ có thể hiểu rằng, sau khi mua chung cư trả góp thì việc phải làm là trả nợ. Vì thế, người mua cần phải biết chính xác số tiền cần chi trả cho khoản nợ của mình vào mỗi tháng là bao nhiêu và mức lãi suất phải biến động trong tầm kiểm soát (cần có một bản cam kết về mức tăng lãi suất không vượt quá mức trần cho phép), đặc biệt là không có các khoản chi phí phát sinh, hoặc nếu có thì chi phí phát sinh không đáng kể.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn về nguồn tài chính và năng lực trả nợ, người mua không nên vay quá nhiều, chỉ nên vay tối đa 30 – 40% giá trị căn nhà để tránh mất khả năng chi trả.

Tóm lại, nếu khả năng tài chính cá nhân và khả năng tài chính hỗ trợ cao hơn khả năng trả nợ thì việc mua chung cư trả góp là khả thi. Còn ngược lại thì cần xem xét lại kế hoạch mua nhà của mình cho hợp lý.

Khảo sát giá

Hình thức mua căn hộ chung cư hiện nay có 2 dạng: dự án đã có người ở hoặc dự án đang xây và rao bán. Tùy thuộc vào từng dạng tương ứng mà có những cách khảo sát giá khác nhau.

Cụ thể, đối với chung cư đã có người ở, nếu muốn khảo sát giá, bạn có thể tìm kiếm thông tin trên mạng hoặc các diễn đàn. Ngoài ra, bạn có thể đến trực tiếp và hỏi thăm những cửa hàng hoặc quán ăn gần đó. Động thái này sẽ giúp bạn nắm được nhiều thông tin hữu ích.

Còn nếu căn hộ bạn đang nhắm tới thuộc một dự án đang xây dựng thì bạn nên tìm hiểu tại các website bất động sản có uy tín. Qua đó, bạn sẽ tìm thấy những thông tin về chủ đầu tư, diện tích dự án, tiện ích căn hộ, những ưu đãi cho người mua nhà sớm,…

Các yếu tố ngoại quan

Yếu tố phong thủy đóng vai trò khá quan trọng trong việc chọn hướng và tâm nhà. Nếu là người quan tâm tới phong thủy, bạn nên xem xét tuổi và mệnh của mình sao cho phù hợp với địa thế của căn hộ trước khi quyết định mua. Tránh trường hợp sau khi mua về phải tốn quá nhiều tiền để cải tạo và chi tiêu cho việc hóa giải phong thủy xấu.

Hơn nữa, bạn nên xem xét cộng đồng dân cư kế cận nếu là chung cư mới, hay dân cư trong chung cư nếu là chung cư đã có người sử dụng để xem nơi này có phù hợp với lối sống của bạn hay không.

Đồng thời cảnh quan, môi trường cũng như giao thông là yếu tố mà bạn cần quan tâm. Ví dụ như bạn nên kiểm tra đường ra, vào của dự án có thông thoáng, rộng rãi hay có ngập nước vào mùa mưa? Liên kết vùng gồm nhà trẻ, trường học, bệnh viện, siêu thị có thuận tiện hay an ninh khu vực có được đảm bảo?

Tìm hiểu thông tin dự án

Đây là một bước khá quan trọng, là cơ sở để giúp người mua có một cái nhìn tổng thể về dự án như vị trí, thiết kế, các tiện ích, cơ sở hạ tầng, giá cả, thông tin chủ đầu tư,...

Bạn có thể tham khảo từ nhiều nguồn thông tin khác nhau, từ những người đã từng mua chung cư hoặc am tường về lĩnh vực bất động sản đến việc chọn lọc các thông tin trên internet và từ  nhân viên tư vấn của các sàn giao dịch bất động sản…

Kiểm tra nội dung hợp đồng

Trước khi ký kết vào bản hợp đồng mua nhà, bạn nên xem xét kỹ các điều khoản quy định trong hợp đồng mua nhà. Các điều khoản về giá cả, phương thức và thời gian thanh toán phải được quy định rõ ràng, cụ thể trong hợp đồng. Tránh việc bị phát sinh thêm các chi phí không hợp lý cũng như thời hạn thanh toán không phù hợp với khả năng tài chính hiện tại của bạn.

Ngoài ra, bạn cũng có thể yêu cầu điều chỉnh, bổ sung một số thông tin mà bản thân cho là không phù hợp; hoặc có thể yêu cầu chủ đầu tư hỗ trợ một phần chi phí liên quan như chiết khấu, phí quản lý chung cư, phí mua sắm nội thất… 

Nếu có điều kiện, bạn nên tham khảo thêm ý kiến, tư vấn của luật sư về các điều khoản trong hợp đồng, và lưu ý là không nên đặt cọc trước khi thương lượng.( sưu tầm)

Phạm Nhàn