5 chính sách nóng tác động đến thị trường bất động sản 2018

Thị trường bất động sản thời năm 2018 đã liên tục trải qua những "cú sốc" mạnh mà một phần trong đó đến từ một số chính sách, đề xuất của cơ quan quản lý nhà nước điểm lại những chính sách nóng trong thời gian qua.

Siết giao dịch đất tại vùng dự kiến lên đặc khu

Thị trường bất động sản Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) đã trở thành điểm nóng trên cả nước kể từ khi Quốc hội xét xét ban hành Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế).

Khi những khu vực này rục rịch chuẩn bị cho quyết định lên đặc khu, dòng tiền đầu tư, đầu cơ đổ vào Vân Đồn, Phú Quốc và Bắc Vân Phong ngày càng mạnh hơn. Đáng lo ngại nhất là tình trạng một số nhà đầu tư cá nhân bất chấp rủi ro, lao vào chuyển nhượng quyền sử dụng đất rừng, đất nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng đất trái quy định pháp luật, khiến cho thị trường rơi vào cơn “sốc”.

Một lần nữa, trên thị trường xuất hiện tình trạng “người người, nhà nhà” lao vào đầu tư, đầu cơ bất động sản. Ở Phú Quốc, tình trạng san lấp, phân lô bán nền diễn ra khắp nơi, “cò đất” đua nhau tung tin thất thiệt, thổi giá lên cao, kiếm lời bất chính, nhiều khu dân cư tự phát mọc lên, phá vỡ quy hoạch. Tình trạng ở Vân Đồn cũng “nóng” không kém khi giá đất một số khu vực tăng từ 100 - 200% chỉ sau vài tháng. Bên cạnh đó là hiện tượng phân lô, “xẻ thịt” đất rừng tăng mạnh.

Tại Bắc Vân Phong, giá đất trên địa bàn, nhất là ở khu vực ven biển tăng vọt. Trong đó, đất ở ven biển đoạn qua khu vực thị trấn lên tới 100 triệu đồng/m2, các nơi khác trong khu dân cư tăng từ 20 - 30 triệu đồng/m2. 

Trước thực trạng nóng sốt bất thường của thị trường, ngày 3/5, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã ban hành “lệnh cấm” giao dịch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại Vân Đồn nhằm siết chặt công tác quản lý đất đai và làm rõ một số thông tin về việc "sốt" giá đất tại đây.

Sau quyết định của tỉnh Quảng Ninh, Phú Quốc (Kiên Giang) cũng có “lệnh” tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa. Theo đó, trong thời gian chờ hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kiên Giang, UBND huyện Phú Quốc tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp phân lô, tách thửa có diện tích dưới 500m2 trên địa bàn huyện.

Ngày 7/5, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn chỉ đạo Sở tài nguyên và Môi trường về việc tạm dừng chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong.

Khi thị trường chưa kịp hết “sốc” vì “lệnh cấm” giao dịch, chuyển nhượng đất tại 3 khu vực nói trên thì đến tháng 6/2018, các Đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua đề nghị điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật Đặc khu. Thông tin này có thể nói đã Làm nguội “chảo lửa” thị trường Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Nhiều giao dịch đã dừng lại. Các nhà đầu tư đến sau, nhất là nhà đầu tư thứ cấp bị mắc kẹt do mua đất trong giai đoạn đang ở đỉnh điểm của “cơn sốt”. 

Kiểm soát chặt tín dụng đối với bất động sản

Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, Chính phủ chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có bất động sản.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngày 23/01/2018, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã có Công văn số 563/NHNN-TTGSNH yêu cầu các ngân hàng chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng ưu tiên tập trung vốn cho sản xuất, kinh doanh; hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản.

Trước đó, NHNN vừa ban hành Thông tư 19/2017/TT-NHNN ngày 28/12/2017 quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, đã cho phép các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa theo lộ trình.

Cụ thể, từ ngày 1/1/2018 đến ngày 31/12/2018 là 45%, từ ngày 1/1/2019 là 40%, thay vì 60% như trước đây, và vẫn quy định nhóm tài sản có hệ số rủi ro 200% là các khoản phải đòi để kinh doanh bất động sản như Thông tư 06/2016/TT-NHNN.

Trước tình trạng bị siết chặt tín dụng vào thị trường bất động sản, doanh nghiệp bất động sản sẽ phải tăng cường các giải pháp tìm nguồn vốn đầu tư mới.

Tuy nhiên, việc siết tín dụng bất động sản mới bắt đầu manh nha vào năm 2018. Năm 2019 sẽ chính thức xảy ra. Giới chuyên gia cho rằng, việc giảm bớt dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng là cần thiết, đòi hỏi thị trường bất động sản tiếp cận các nguồn vốn khác ngoài nguồn vốn tín dụng ngân hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh, năng lực tài chính.

Siết xây cao ốc trong nội đô

Thủ tướng chính phủ yêu cầu bộ GTVT chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tổng kết nhiệm vụ 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP làm cơ sở xây dựng dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 16/2008 về các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP.HCM. Thủ tướng cũng lưu ý, các bộ ngành tại hai TP này cần đưa ra các giải pháp để không xây dựng các chung cư căn hộ nhà cao tầng tại khu trung tâm.

Chỉ đạo trên của Thủ tướng Chính phủ nhận được sự ủng hộ của dư luận với kỳ vọng sẽ góp phần giảm tải tình trạng ùn tắc giao thông tại các khu trung tâm trong bối cảnh các công trình cao tầng đang mọc lên quá nhiều gây “ngột ngạt” cho các đô thị. Theo đó, đến hiện tại đã có 4 tỉnh, thành phố lớn “siết” chặt việc xây cao ốc trong nội đô bao gồm Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang và Đà Nẵng. 

Doanh nghiệp nhà nước không được dùng vốn đầu tư địa ốc

Từ ngày 1/5/2018, Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp chính thức có hiệu lực.

Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước không được dùng tài sản, tiền vốn, quyền sử dụng đất thuê để góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản (ngoại trừ doanh nghiệp nhà nước có ngành nghề kinh doanh chính là các loại bất động sản). Các doanh nghiệp nhà nước cũng không được phép góp vốn, mua cổ phần tại các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư chứng khoán hoặc công ty đầu tư chứng khoán, trừ những trường hợp đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị định trên được ban hành trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nhà nước do thiếu kinh nghiệm quản lý, kinh nghiệm thị trường đã để vốn thất thoát hoặc bị “ngâm” trong bất động sản, dẫn đến kinh doanh thua lỗ, doanh nghiệp giải thể…

Đề xuất đánh thuế tài sản

Trong dự thảo tờ trình gửi Chính phủ về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản, Bộ Tài chính đề xuất sẽ đánh thuế tài sản đối với đất ở, đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, đất phi nông nghiệp nhưng sử dụng vào mục đích kinh doanh hoặc để ở.

Bên cạnh đó, nhà và công trình trên đất có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc 1 tỉ đồng, ôtô có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên, tàu bay, du thuyền... cũng sẽ bị đánh thuế. Bộ cũng đưa ra 2 phương án về mức thuế tài sản là 0,3% hoặc 0,4%.

Ngay sau khi công bố, đề xuất trên đã vấp phải sự phản đối của dư luận và giới chuyên môn. Người dân, đặc biệt là đối tượng người thu nhập thấp lo lắng khi dự luật thuế mới nếu được áp dụng sẽ khiến giấc mơ mua nhà của họ càng trở nên xa vời. Bởi trên thực tế, tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM, rất khó có thể tìm được căn hộ, nhà ở có giá dưới ngưỡng chịu thuế.

Giới chuyên gia thì cho rằng, thuế tài sản có thể khiến giao dịch trên thị trường chững lại và giá nhà bị tăng cao. Đó là một đề xuất không chỉ bất hợp lý mà còn phi thực tế. ( nguồn Reatimes)

Phạm Nhàn